Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Canh tác hữu cơ sinh học là vấn đề cấp thiết trong nông nghiệp

Canh tác hữu cơ sinh học là vấn đề cấp thiết trong nông nghiệp
KHPT-GS.TS. Phạm Văn Biên, nguyên viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, trong bối cảnh nông sản kém an toàn, lạm dụng nhiều phân thuốc hóa học khiến xã hội lo lắng thì xu hướng canh tác hữu cơ sinh học (HCSH) đang là vấn đề nóng bỏng trong nông nghiệp hiện nay
Cách canh tác sử dụng nhiều hóa chất ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người


Trăn trở với hiện thực sản xuất nông nghiệp
GS.TS. Nguyễn Thơ, phó chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam trăn trở: “Xem trên đài truyền hình các tỉnh, phần lớn các chương trình khuyến nông đều nói nhiều về thuốc hóa học kiểu “bệnh nào phun thuốc gì”. Hệ thống khuyến nông làng xã hầu như không có, trong khi họ là người sát sao với nông dân. Trong quản lý cỏ dại, thay vì khuyến cáo nông dân phát cỏ, trồng cây phủ đất trên vườn tiêu hay vườn cây ăn trái… thì rất nhiều nơi vẫn khuyến cáo dùng thuốc cỏ, trong đó có Paraquat cực độc hại và ô nhiễm môi trường rất lớn. Thay vì khuyến cáo nông dân sử dụng các chế phẩm đối kháng, vi sinh, HCSH… tăng sức khỏe cho cây, cho đất thì nhiều nơi vẫn khuyến cáo dùng thuốc hóa học “rửa vườn” như Carbendazim (hóa chất bị cấm ở nhiều nước vì nguy cơ gây ung thư và dị tật thai nhi). Mỗi cán bộ nông nghiệp, khuyến nông cần có cái tâm, có hiểu biết, có trách nhiệm để khuyến cáo nông dân sản xuất an toàn cho chính bản thân họ, an toàn cho môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cho mọi người sử dụng hàng ngày.
Ông Phan Minh Báu, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai lưu ý, sản xuất  nông nghiệp cần lấy thị trường làm định hướng, nếu sản xuất không an toàn thì người tiêu dùng quay lưng vì không ai dám mua sản phẩm tồn dư chất gây hại. Không sản xuất an toàn thì không vào thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Đồng Nai từng mang sản phẩm tiêu, hạt điều đi giới thiệu các hội chợ nước ngoài nhưng không ai quan tâm và dám mua vì sản phẩm không có các chứng nhận đạt chuẩn an toàn để khách hàng yên tâm. Nếu không sản xuất an toàn sẽ bị loại trừ là điều tất yếu.
GS.TS.NGƯT Vũ Triệu Mân, chủ tịch Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam cho biết, chúng ta thấy có nghịch lý bao lâu nay là các nước sản xuất nhiều phân, thuốc hóa học thì lại rất ít hoặc không sử dụng mà chủ yếu bán sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Người Việt Nam sử dụng sản phẩm phân, thuốc hóa học này sản xuất nông sản bán lại cho họ thì nhận lời từ chối vì “không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn”!? Vậy chúng ta sản xuất bán cho ai, cho người Việt Nam ăn hàng ngày? Việc lạm dụng phân, thuốc BVTV hóa học đã ở mức độ nghiêm trọng (nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2017 là 4.000 tỷ đồng thuốc và nguyên liệu thuốc BVTV, tăng 7,5% so với năm 2016), hàng triệu lít thuốc hóa học này sẽ ngấm vào nước ngầm, sông ngòi. Có những làng bị ung thư, bị ngộ độc, liệu chúng ta có cần suy nghĩ cho thế hệ mai sau? 

Cần canh tác theo hướng hữu cơ sinh học 
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, đến lúc ngành nông nghiệp chấn chỉnh ngay việc lạm dụng thuốc BVTV, ra luật quảng cáo thuốc BVTV, nhất là loại thuốc độc hại, ô nhiễm môi trường. Thuốc nào độc hại thì cấm chứ không nên dùng từ “hạn chế sử dụng”, không cấp phép cho thuốc BVTV dạng 3 trong 1… Bên cạnh đó, cần cải tiến thủ tục đăng ký các sản phẩm HCSH, hỗ trợ đơn vị sản xuất sản phẩm HCSH gốc thảo mộc phục vụ sản xuất an toàn. Đến lúc chúng ta không thể thờ ơ vì tác hại của thuốc hóa học bị cảnh báo.
Theo GS.TS. Phạm Văn Biên, giải pháp ứng dụng HCSH hoàn toàn có thể thực hiện tại Việt Nam, không phải sản xuất để đạt tiêu chuẩn hữu cơ (organic) mà ứng dụng canh tác hữu cơ, sinh học (sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, quản lý dịch hại theo chương trình IPM, công nghệ sinh thái, chế phẩm vi sinh quản lý dịch hại… thay cho phân, thuốc hóa học độc hại). Quan điểm cho rằng nếu giảm hoặc không sử dụng thuốc BVTV thì lấy gì trừ sâu bệnh?, GS. Biên cho rằng, hiện nhà khoa học có nhiều biện pháp quản lý thay thế, có rất nhiều chế phẩm sinh học, vi sinh… quản lý rất tốt dịch hại. Chúng ta không nên tranh cãi chọn sinh học và hóa học, các sản phẩm thuốc BVTV và phân bón hóa học có đóng góp lớn cho nông nghiệp nhưng để đáp ứng yêu cầu mới thì nhất thiết phải thay đổi. Thời Việt Nam thiếu lương thực thì mục tiêu sản xuất là thâm canh càng nhiều lúa gạo càng tốt nhưng ngày nay người tiêu dùng không chỉ ăn no mà ăn ngon, ăn gạo an toàn… Thực tế các cửa hàng bán gạo, gạo Việt luôn lép vế trước gạo Thái, gạo Mỹ… dù giá luôn cao. Nếu quan điểm bảo thủ với sản xuất kiểu cũ thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không thể vươn xa.

THANH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét