Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Con đường xanh đi tới tương lai

Con đường xanh đi tới tương lai
Dù có nhiều cách gọi khác nhau, “nông nghiệp công nghệ cao”, với những nội hàm tương đồng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ngày càng phổ biến. Đấy là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, với sự tích hợp của nhiều phân ngành như công nghệ sinh học, tin học, tự động hóa... nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. 


Nhờ đó, một Israel nhỏ bé, đất đai cằn cỗi, chỉ với 3,7% lao động lĩnh vực nông nghiệp nhưng tự túc được 95% nhu cầu lương thực, thực phẩm; một Nhật Bản thường xuyên đối mặt với bão, động đất, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người vào loại thấp của thế giới, chỉ với 5% lao động làm nông nhưng gần như “tự lo” được lương thực cho dân số hơn 127 triệu người; một nước Mỹ chỉ với 0,7% lao động lĩnh vực nông nghiệp nhưng trở thành một trong những nhà xuất khẩu nông sản có tỷ trọng lớn nhất thị trường toàn cầu.

Bởi thế, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, là xu thế tất yếu của toàn cầu và gắn liền với đó là cách thức phát triển hiệu quả, bền vững. 

Với nước ta, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, biến đổi khí hậu, thiên tai... ngày càng khắc nghiệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu và tiến hành nhanh chừng nào tốt chừng ấy. Theo hướng đó, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X, XI và XII của Đảng đã quyết nghị nhiều mục tiêu quan trọng: Chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực hiện những chủ trương này, Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17-12-2012, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng. Đến nay, cả nước đã có một số địa phương, doanh nghiệp cùng vào cuộc với nhiều mô hình, cách làm hay. Tại Lâm Đồng, hiện gần 100% diện tích hoa Đà Lạt đã được trồng trong nhà kính, nhà lưới với hệ thống tưới tiêu tự động. Tập đoàn Vingroup đầu tư chuỗi nông trường trồng rau sạch và gắn liền với hệ thống siêu thị. Các tập đoàn Vinamilk, TH Truemilk lại đầu tư sản xuất sữa theo mô hình các trang trại bò sữa hữu cơ. Rồi những tập đoàn khác như Hòa Phát, Trường Hải, FPT... cũng đang đổ bộ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Công nghệ cao của Israel đã góp phần cải biến nhiều vùng "đất chết" thành nguồn lực sản xuất như mô hình trồng rau sạch trên đất cát của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), hay trồng dưa lưới, cây cảnh trên vùng bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). 

Dù vậy, trên thực tế, những mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chưa nhiều; kết quả còn khá hạn chế. Và nền nông nghiệp nước ta vẫn trong tình trạng thâm dụng tài nguyên đất, nước, nhân lực... dẫn tới sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế.

Là địa phương có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, khí hậu tương đối hài hòa, nên với Thủ đô Hà Nội, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật sản xuất tiên tiến là một chủ trương có từ nhiều năm nay. Liên tiếp 3 nhiệm kỳ gần đây, vấn đề này được xác định ngày càng rõ nét với nhiều giải pháp cụ thể, nổi bật là thành phố đã xây dựng những chương trình công tác chuyên đề trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Gần đây nhất, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu khá cụ thể: Phấn đấu đưa tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. 

Đi theo hướng phát triển này, hiện tại trên địa bàn Thủ đô đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh hữu cơ, bước đầu ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên quy mô còn nhỏ, nếu như không muốn nói là manh mún. Vì thế nông nghiệp của Hà Nội vẫn chưa thật đủ mạnh để vừa làm tốt vai trò phục vụ thực phẩm sạch cho 100% dân số trên địa bàn, vừa vươn tới tầm xa hơn là xuất khẩu sản phẩm đi nơi khác.



Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao - lời giải cho bài toán phát triển nông nghiệp, con đường lớn cho “tương lai xanh” đang đòi hỏi những bước đi mới!

Với tinh thần cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, Chính phủ đã quyết định dành một gói tín dụng tới 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời Chính phủ đã bàn nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt đối với phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng như: Xem xét mở rộng hạn điền; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tìm giải pháp cho những vướng mắc liên quan thủ tục cho vay vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi cây trồng...

Dẫu vậy, trên "con đường xanh" dài rộng đi tới tương lai của đất nước vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần được mỗi ngành, mỗi địa phương phải tìm cho ra lời giải. Chẳng hạn, trong suốt thời gian dài, Bulgaria nổi tiếng như xứ sở hoa hồng, Hà Lan được biết đến như xứ sở tulip; nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã trở thành vùng xuất khẩu hoa cho thế giới. Vậy hoa Đà Lạt và cả hoa Hà Nội liệu bao giờ vươn tầm ra thế giới để vừa vinh danh nghề, vừa làm rạng danh xứ sở quê hương? Dưa hấu Quảng Ngãi đang rớt giá xuống còn 1.000 - 2.000 đồng/kg tại ruộng, trong khi dưa hấu Nhật Bản nhập về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bán với giá gần nửa triệu đồng/kg vẫn hết veo - thực tế ấy đặt ra điều gì về định hướng phát triển? Và vẫn còn đó hàng tỷ USD của đất nước phải bỏ ra để nhập rau, quả, thịt cá và các loại thực phẩm ngoại khác... - phải chăng bí quyết tận cùng không gì khác là nông nghiệp công nghệ cao?

Nhưng làm thế nào để có nông nghiệp công nghệ cao khi tư duy người nông dân còn chưa thay đổi. Nguồn vốn, đất đai có thể đã rõ, nhưng kỹ thuật, công nghệ hiện đại đến từ đâu? Cơ chế quản trị, tài chính khoa học cần thay đổi thế nào cho phù hợp để bảo đảm phát huy hiệu quả sức mạnh khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả cao? 

Mỗi câu hỏi tựa như một bậc thang mà mỗi bộ, ngành, địa phương và toàn ngành Nông nghiệp cần phải chinh phục trên con đường xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao - một con đường đã rõ nhưng đòi hỏi phải liên tục, kiên trì và đủ bản lĩnh để đi đến cùng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét