Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Sử dụng đấu tranh sinh học trong bảo vệ thực vật làm cho nông nghiệp sạch hơn

Sử dụng đấu tranh sinh học trong bảo vệ thực vật làm cho nông nghiệp sạch hơn
Đấu tranh sinh học là cuộc chiến đấu tiêu diệt lẫn nhau giữa các loài sinh vật vì sự sống còn. Loài sinh vật này lấy cơ thể loài sinh vật khác làm thức ăn để sinh sống và phát triển. Trong thực tế hoạt động của công tác bảo vệ thực vật, người ta đã chú ý đến hiện tượng đối kháng, tiêu diệt lẫn nhau giữa các loài sinh vật. Lợi dụng hiện tượng này, người ta xây dựng thành một nhóm các biện pháp phòng trừ các loài sinh vật gây hại cho cây gọi là biện pháp sinh học.


Biện pháp sinh học là phương pháp sử dụng các loài sinh vật và các sản phẩm tạo thành trong quá trình sinh sống của chúng để chống lại các loài sinh vật gây hại cây.
Cho đến nay, người ta đã dùng nhiều loài sinh vật có ích và nhiều sản phẩm khác nhau của nhiều loài sinh vật trong biện pháp sinh học. Những sinh vật và chế phẩm sinh học đó có thể sắp xếp thành các nhóm như sau:
+ Động vật gồm có:
- Sâu có ích: Nhiều nơi trên thế giói đã có nhiều cố gắng để dùng sâu ăn thịt sâu hại hoặc sâu ký sinh đẻ trứng vào cơ thể sâu hại. Con số sâu có ích được sử dụng trong biện pháp sinh học khá nhiều. Nhưng ở mỗi nước, tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà số lượng cũng như chủng loại các loài có ích được sử dụng có khác nhau. Nhìn chung ở các nước làm nông nghiệp ít nhiều đều có sử dụng phương pháp này. Ở nước ta đã dùng ong mắt đỏ để trừ sâu đay.

- Chim thú ăn sâu: Có thể bằng nhiều cách để thu hút chim thú trong tự nhiên về các cánh đồng, vườn cây có nhiều sâu hại để chúng bắt giết sâu. Có thể thả các loài gia cầm ra ruộng, vườn để chúng nhặt bắt sâu. Ở các tỉnh phía Nam nước ta, người ta đã lùa vịt ra đồng để chúng ăn rầy nâu hại lúa.
- Tuyến trùng: Có nhiều loại tuyến trùng ăn sâu, nấm và tuyến trùng gây bệnh cây ở trong đất. Người ta nuôi nhân tuyến trùng ăn thịt rồi thả vào đất tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các tuyến trùng ăn thịt phát triển.
+ Thực vật gồm có:
- Nấm: Có nhiều loại nấm gây bệnh cho sâu hại, chuột, tuyến trùng. Có những loài nấm ký sinh và tiêu diệt các loại nấm gây bệnh cây. Trong tự nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi, các loài nấm có ích có khả năng hạn chế và tiêu diệt các loài sinh vật hại cây ở mức khá cao. Vì vậy, để phát huy tác dụng của chúng, người ta áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho nấm có ích phát triển tốt nhất. Qua đó hạn chế và tiêu diệt các loài sinh vật gây hại. Để nâng cao hiệu quả của nấm có ích, người ta tiến hành nuôi nhân chúng trong phòng, trong các xưởng sản xuất, chế biến thành các thuốc sinh học để phun lên cây hoặc bón vào đất. Ở Việt Nam đã tiến hành nuôi nhân nấm Bạch cương (Beauveria bassiana) tạo thành chế phẩm phun trừ sâu rừng và một số sâu hại cây công nghiệp.

- Vi khuẩn: Cũng có những đặc điểm và cách dùng tương tự như đối với nấm. Ở Việt Nam đã sử dụng vi khuẩn Baccillus thuringiensis nuôi nhân trong phòng thí nghiệm, chế tạo thành thuốc BT phun trừ sâu hại sau.
- Rikettsia( ký sinh trùng tự nhiên): Cũng tương tự như nấm và vi khuẩn.
- Virut: Ở Việt Nam đã sử dụng virut đa cạnh NPV nuôi nhân trong các xưởng chế phẩm sinh học, tạo thành thuốc phun trừ sâu hại bông.
+ Các chất do sinh vật tiết ra
- Các chất kháng sinh: lấy từ một số loài thực vật, xạ khuẩn, vi sinh vật được chế biến thành các loài thuốc để phun lên cây trừ sâu bệnh hại cây. Chất kháng sinh có thể dùng để bón vào đất, xử lý giống và phun lên cây. Các chất kháng sinh được nghiên cứu và sử dụng để trừ bệnh hại cây đáng chú ý có: phitobacteriomixin, tricotexin, tricodermin, blastixidin-S, candixidin…
Thuốc kháng sinh có tính chất nội hấp mạnh. Chúng có thể xâm nhập vào cây qua hệ thống rễ và qua bề mặt lá cây. Khả năng xâm nhập của chất kháng sinh vào cây mang tính chọn lọc rõ rệt. Cây có khả năng hút các chất kháng sinh ở trong các dung dịch không tinh khiết, trong các dịch cấy vi khuẩn và cả trong dung dịch đất.
Các chất kháng sinh sau khi xâm nhập vào cây, nhanh chóng lan truyền đi toàn cây. Một số chất kháng sinh có thể giữ lại trong cây khá lâu (đến vài tuần). Một số kháng sinh có khả năng làm tăng tính chống chịu sâu bệnh của cây.
- Các hoocmon: Được lấy từ một số loài thực vật và một số loài côn trùng. Các chất này có tác dụng làm đảo lộn các quá trình phát triển của sâu hại. Chúng có thể làm cho sâu hại không hóa nhộng được hoặc không hóa bướm được v.v… Các chất này được tạo thành các chế phẩm phun lên cây.
- Các chất dẫn dụ, chất xua đuổi: Được lấy từ các loài thực vật và động vật khác nhau. Chúng có tác dụng thu hút sâu hại vào những nơi con người muốn để tiêu diệt hoặc xua đuổi sâu hại ra khỏi những nơi cần được bảo vệ. Các chất này được tạo thành các chế phẩm để phun vào những nơi cần thiết.
- Các chất gây ngán: Được lấy từ một số loài thực vật. Các chất này không có tác dụng trực tiếp diệt sâu, nhưng khi sâu ăn phải chúng thì có cảm giác ngán, không muốn ăn uống gì nữa, phải bỏ đi nơi khác, hoặc bị đói mà chết. Các chất này được tạo thành chế phẩm để phun lên cây cần được bảo vệ.
Các loài sinh vật có ích và các chất có nguồn gốc sinh vật được dùng trong biện pháp sinh học bảo vệ thực vật có thể có những tác động trực tiếp, có thể có tác động gián tiếp. Tác động trực tiếp thể hiện khi làm cho sinh vật gây hại bị chết, bị sử dụng làm thức ăn. Tác động gián tiếp thể hiện ở các hoạt động cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh khoảng không gian sống, làm thay đổi môi trường sống của các loài sinh vật gây hại tạo nên những điều kiện không thuận cho sinh trưởng và phát triển của chúng. Những tác động này có thể tiêu diệt các loài gây hại, có thể làm mất khả năng chống chịu của chúng đối với các tác động của môi trường, có thể làm giảm khả năng sinh sản của chúng.
Cho đến nay phương pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh được tiến hành theo các cách sau:
- Xử lý hạt giống bằng các chế phẩm vi sinh vật và chất kháng sinh. Hạt giống trước khi gieo được ngâm hoặc trộn với các chế phẩm vi sinh vật. Các sinh vật có ích trong chế phẩm phát huy tác dụng cạnh tranh đối kháng với các loài sinh vật gây hại cây, tiêu diệt chúng để bảo vệ mầm cây và cây con.
- Các loài sinh vật được nuôi, nhân lên trong các phòng, các xí nghiệp, sau đó đem ra thả trực tiếp vào ruộng, vào vườn cây để chúng tiêu diệt các loài sinh vật gây hại cây. Thời điểm, mật độ, nồng độ chế phẩm, cách phun thả… được tính toán phù hợp với điều kiện cụ thể từng nơi để đảm bảo cho sinh vật có ích phát huy được tác dụng tốt đến mức cao nhất.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm thay đổi điều kiện sinh sống thật thích hợp với các loài sinh vật có ích, giúp cho chúng phát triển và hoạt động mạnh mẽ. Trên hướng này, có thể thay đổi cơ cấu và phân bố cây trồng trên đồng ruộng nhằm thu hút, tập trung và tích tụ các loài sinh vật có ích vào các ổ sâu bệnh. Có thể trồng thêm các loài cây nguồn mật làm thức ăn bổ sung giúp cho các loài sinh vật có ích phát triển mạnh hơn, tăng thêm số lượng, tăng thêm tính hoạt động. Có thể tạo ra những nơi qua đông cho sinh vật có ích như xếp các đống rạ, đắp các ụ đất, trồng thêm các hàng cây v.v… trên đồng.
- Tiến hành các biện pháp làm đất thích hợp, chủ yếu là cày bừa kỹ, để tăng cường hoạt động của các loài sinh vật có ích sống hoại sinh trong đất, tăng cường hoạt động đối kháng của chúng đối với các loài sinh vật gây hại cây.
- Tiêu diệt các nguồn thức ăn khác (các loài ký chủ khác) của sinh vật có ích để chúng tập trung vào tiêu diệt. Biện pháp này có tác dụng đối với các loài sinh vật có ích đa thực.
- Tạo ra các chế phẩm sinh học để phun lên cây. Cách thức tiế hành để phun tương tự như đối với các loại thuốc hóa học và cần tuân thủ đảm bảo 4 đúng.
- Dùng phối hợp các biện pháp sinh học với các biện pháp hóa học. Hiện nay ở nhiều nơi đang áp dụng cách dùng hỗn hợp sinh vật có ích với thuốc trừ sâu ở lượng thấp và được xem như một biện pháp có hiệu quả. Trong trường hợp này, thuốc hóa học làm giảm khả năng chống chịu của loài sinh vật có ích. Một số thí nghiệm dùng hỗn hợp thuốc hóa học với sinh vật có ích để trừ sâu hại, người ta nhận thấy thuốc làm tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đường ruột của sâu hại, làm tăng cường các phản ứng phân hủy trong những biến đổi sinh lý trong cơ thể sâu hại, làm tăng tính nhiễm bệnh của một số bộ phận trên cơ thể sâu. Kết quả là sâu hại bị nhiễm bệnh nặng và chết nhiều.
- Có ý thức và biện pháp bảo vệ sinh vật có ích trong tự nhiên. Đặc biệt trong khi dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại cây cần chú ý bảo vệ chim, thú, các loài thiên địch và các loài sinh vật có ích khác.
Biện pháp sinh học trong công tác bảo vệ thực vật ngày càng được chú ý khai thác và vị trí của biện pháp này ngày càng được nâng cao. Trên phương diện bảo vệ môi trường sống, môi trường sản xuất cũng như tiến hành nông nghiệp sạch, nhóm biện pháp này càng có ý nghĩa lớn. Bên cạnh những hậu quả gây ô nhiễm môi trường rộng lớn của các biện pháp hóa học, các biện pháp sinh học nổi lên như là nhóm biện pháp ít gây ô nhiễm môi trường và được đề cao trong nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên, trong những trường hợp lạm dụng, sử dụng không hợp lý, không đúng, biện pháp sinh học cũng có thể gây ô nhiễm môi trường và làm cho nông nghiệp trở thành không sạch. Các sinh vật có ích (nấm, vi khuẩn, virut, côn trùng thiên địch v.v…) và các sản phẩm sinh học của chúng, tuy là có ích, nhưng chỉ trên phương diện tiêu diệt các loài sinh vật gây hại. Nếu những sinh vật này và các chất sinh học tích tụ và còn lại trong nông sản, thì chúng cũng gây ra các tác động có hại lên cơ thể người, làm cho nông sản trở thành không sạch.
Các loài thiên địch tiêu diệt côn trùng gây hại cũng có thể gây hại cho ong mật, tằm là những côn trùng có ích được con người nuôi.
GS.TS Đường Hồng Dật


Mọi Chi Tiết Xin Liên Hệ: 
Tel : 0967 646 009 (Mr Nam)  Đại Diện Trực Tiếp Từ Nhà Sản Xuất Của Hoa Kỳ Tại Việt Nam

  • Phóng sự Phân vi sinh EMZ-USA trên kênh VTV2
  • Hãy like Facebook của EMZ -USA để được cập nhật những bài viết mới nhất  mỗi ngày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét