Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Đầu tư nông nghiệp: Nội hào hứng, ngoại dè dặt

Đầu tư nông nghiệp: Nội hào hứng, ngoại dè dặt

(NDH) Dòng vốn FDI vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Tính đến nay, nhà đầu tư nước ngoài mới thu hút được 3,7 tỷ USD vào nông nghiệp.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục đón nhận những tin vui từ sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Nổi bật là Tập đoàn Him Lam, sau hơn 20 gắn bó với lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã quyết định rẽ sang đầu tư trồng mắc ca. Cụ thể, Him Lam cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) đã xây dựng đề án đầu tư phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, tổng trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng. Dự án bắt đầu triển khai cụ thể từ năm 2015 để nhân rộng diện tích lên 250.000 hécta, biến Tây Nguyên trở thành thủ đô mắc ca Đông Nam Á.
Tập đoàn Hòa Phát đã đánh dấu sự mở rộng lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp bằng việc chi hơn 300 triệu USD cho việc sản xuất thứ căn chăn nuôi. CEO của tập đoàn, ông Trần Tuấn Dương khẳng định Hòa Phát đầu tư vào nông nghiệp là có chiến lược, không phải là đầu tư theo trào lưu.
Hay như Tập đoàn Vingroup với các dự án trồng rau quả sạch lên tới hàng trăm triệu USD vào Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Hiện theo thông tin từ Vingroup, Tập đoàn đang tiếp tục nghiên cứu, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Việc đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian qua theo ý kiến của một số chuyên gia là trào lưu mới của các DN trong nước. Tuy các dự án chỉ đang ở giai đoạn đầu nhưng với ngành nông nghiệp cũng là những tín hiệu khả quan
Trái với sự hào hứng của doanh nghiệp nội, các nhà đầu tư nước ngoài lại khá dè dặt trong việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực này.
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định Nông nghiệp là ngành tiềm năng và nhiều lợi thế nhưng nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn tương đối hạn chế so với nhu cầu của ngành.
"Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về số dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI'", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Tính đến tháng 4/2015, cả nước còn 530 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư của cả nước).
Quy mô vốn trung bình của dự án trong ngành nông nghiệp khoảng 7 triệu USD/dự án.
Nguyên nhân khiến cho nguồn vốn FDI vào nông nghiệp trong thời gian dài vừa qua hạn chế như vậy là do đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, trong khi ngành này hay gặp nhiều rủi ro về thiên tai và rủi ro về biến động thị trường.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu trong khi chất lượng và năng suất lao động thấp.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp luôn là mục tiêu và trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Việc thu hút vốn FDI vào ngành này cần được quan tâm thích đáng và có các chính sách thu hút đầu tư thích hợp.
Ngành nông nghiệp cần có một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp một cách rõ ràng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc kêu gọi đầu tư FDI vào ngành.
Đồng thời, nông nghiệp rất cần có những dự án cụ thể ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp; có các chính sách khuyến khích đầu tư FDI vào ngành như chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, thuế, tín dụng, phát triển nguồn nhân lực đồng thời nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả và đồng bộ.
Thời gian vừa qua, một số các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã rất quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam bởi Việt Nam là một trong những lựa chọn lý tưởng do có lợi thế rất lớn về các điều kiện tự nhiên, đất đai cho sản xuất nông nghiệp.
Định hướng thu hút FDI vào nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư, khuyến khích vào lĩnh vực chế biến để tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia, có thể chen chân vào chuỗi giá trị thế giới.
Ngoài ra, cần chú trọng tăng cường thu hút FDI có chất lượng và giá trị gia tăng cao, sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ cho những khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản.
Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
"Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện chính sách đầu tư, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc kêu gọi đầu tư FDI vào ngành cho ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội lớn để chứng minh lợi thế của mình và sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với nông nghiệp Việt Nam", Cục Đầu tư nước ngoài cho biết
Bạn không nên bỏ qua bài:
Hãy like Facebook của EMZ -USA để được cập nhật những bài viết mới nhất  mỗi ngày 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét