Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Cần bảo vệ các loài thiên địch có ích để bảo vệ mùa màng

Cần bảo vệ các loài thiên địch có ích để bảo vệ mùa màng
Diện tích sản xuất lúa cả năm của tỉnh ta từ 115.000 ha đến 120.000 ha. Sản xuất cả 3 vụ/năm, liên tục trên đồng ruộng có cây trồng nên việc sâu bệnh xuất hiện gây hại cây trồng là không tránh khỏi.

Càng thâm canh cây trồng cao thì sâu bệnh phát sinh càng nhiều, càng phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều thì càng hủy diệt nhiều sinh vật có ích đối với con người và càng gây tính kháng thuốc với sâu hại, làm mất cân bằng sinh thái. Trong mỗi hệ sinh thái nông nghiệp có những nhóm thiên địch nhất định giữ vai trò quan trọng trong điều hòa số lượng sâu hại. Với mỗi loại cây trồng có cả một tập đoàn sâu hại và vi sinh vật sống trên đó, đi kèm với nó là một tập đoàn thiên địch thích nghi riêng với những côn trùng và vi sinh vật gây hại nó. Nhờ hoạt động tích cực của các loài thiên địch mà mật độ quần thể gây sâu hại bị khống chế dưới ngưỡng gây hại kinh tế. Thực tế hiện nay nông dân thấy xuất hiện sâu bệnh là sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ mà không nghĩ đến hậu quả, là tiêu diệt hết các loài thiên địch, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái nông nghiệp và môi trường.
- Nhện lùn (Atyperafor mosana): Cơ thể rất nhỏ có thể có đến ba, bốn chục con trong một bụi lúa, chúng kéo màng ở gần gốc lúa, di chuyển chậm bắt mồi khi con mồi mắc vào màng. Một con nhện có thể ăn 3-4 con rầy nâu và rầy xanh mỗi ngày.
 - Nhện ăn thịt (Lycôsa pseudoaunulata): Thường gặp rất nhiều trên ruộng lúa, chúng chủ động tấn công rầy rất nhanh. Một con nhện trưởng thành có thể ăn từ 5- 10 con rầy nâu mỗi ngày, nhện thường làm tổ trong ruộng ngập nước hay ruộng cạn. Con cái thường đẻ từ 200-600 trứng trong 3-4 tháng vòng đời của chúng, mỗi lần đẻ 80 trứng/ổ và các ổ trứng trên lưng chúng xuất hiện khi ruộng lúa có sâu đục thân và sâu cuốn lá.
- Bọ rùa: bọ rùa đỏ (Micraspis sp.); bọ rùa vàng (M. crocea); bọ rùa 6 chấm (Menochilus sexmaculatus); bọ rùa 8 chấm (Hamonia octomaculata).Các loài bọ rùa này cả con trưởng thành và ấu trùng của chúng đều ăn rầy nâu trưởng thành, rầy cám (rầy non) và trứng rầy, mỗi ngày mỗi con có thể ăn từ 5-10 con rầy.

 - Bọ xít nước (Mesovelia vitigera và Microveliadouglasi atrolineata): Có cơ thể rất nhỏ, sinh sống trên mặt nước, cả con trưởng thành và ấu trùng đều săn lùng ăn thịt rầy cám khi chúng rớt xuống mặt nước, mỗi con bọ xít có thể ăn thịt từ 5-7 con rầy cám mỗi ngày.
- Bọ xít mù xanh (Cyrtohinus lividipennis): Cơ thể nhỏ cỡ con rầy nâu, cánh màu xanh, chúng tìm kiếm trứng rầy ở bẹ lá, thân cây lúa, dùng vòi hút khô trứng, mỗi ngày một con có thể ăn từ 7- 10 trứng hoặc 1-5 con rầy.
 - Bọ xít nước gọng vó còn gọi con cất vó (Limnôgnusfoss rum) thân và chân dài, cả con trưởng thành và ấu trùng đều ăn rầy hại lúa khi chúng rớt xuống mặt nước, mỗi con có thể ăn từ 5-10 con rầy/ngày.
- Bọ cánh cứng ba khoang (Ophionea nigrofasciata) là loài côn trùng thân cứng hoạt động mạnh. Sâu non có màu đen bóng, trưởng thành có màu nâu đỏ chúng thường tấn công ổ sâu cuốn lá và các loại sâu non bộ cánh vảy, chúng thường xuất hiện trên cả ruộng lúa và ruộng cây màu.
- Bọ đuôi kim (Forficula splendida) cơ thể có màu đen bóng, giữa các đốt bụng có khoang trắng và có điểm trắng đầu nâu, chúng thường sống ở ruộng khô và làm tổ dưới đất ở gốc cây lúa, mỗi con cái đẻ 200-300 trứng, chúng hoạt động ban đêm chui rúc vào các rãnh do sâu đục thân đục để tìm sâu non, hoặc bò lên lá để tìm sâu cuốn lá, chúng có thể ăn 20-30 con mỗi ngày.
- Kiến ba khoang (Paederus fucipes) có màu nâu đỏ, giữa lưng có một vạch lớn màu đen chạy ngang qua tạo thành 1 khoang đen. Chúng thường trú ẩn trong bờ cỏ, đống rơm rạ mục nát ngoài ruộng, chúng làm tổ dưới đất và đẻ trứng. Khi ruộng lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá, chúng tìm đến chui vào tổ sâu ăn thịt từng con. Trung bình mỗi kiến ba khoang có thể ăn từ 3-5 con sâu non/ngày. Loài kiến này cũng thường xuất hiện trên ruộng cây màu.
- Ruồi xám (Diptera) có màu xám xen những sọc trắng to hơn ruồi nhà, thân có nhiều lông gai đầu to, màu hồng hơi xám. Khi ruộng lúa xuất hiện sâu cuốn lá lớn. Trứng nở thành giòi và ăn thịt bên trong thân ký chủ. Sau khi ăn xong chúng chui ra làm kén trên lá lúa và hóa nhộng, khoảng 4 ngày nhộng nở thành ruồi, được 3 ngày thì chúng lại giao phối, tìm đến ký chủ mới để lập vòng đời thứ tiếp, cứ như vậy ruồi xám hạn chế được mật độ sâu cuốn lá rất lớn.
- Ong ký sinh trứng rầy: Có nhiều loài như Anagrus optabilis, A.flaveolus, Oligositanaias, O. aesopi,... Chúng là những loài ong rất nhỏ, sống dưới tán lá lúa, trên đồng ruộng, mắt thường khó phát hiện. Tùy theo loài mà chúng có màu xanh đậm, nâu đỏ, đỏ nhạt, vàng xanh,... Chúng bay khắp ruộng lúa tìm ổ trứng rầy nâu rồi dùng vòi dẫn trứng rầy nâu, làm cho trứng rầy nâu bị ung không nở được. Mỗi ngày một con ong có thể tiêu diệt từ 2-8 trứng rầy, có loài tiêu diệt được

15-30 trứng rầy/ngày.
- Ong kén nhỏ ký sinh sâu đục thân (Phanerotoma sp.): Loài ong này có khả năng đẻ trứng vào bên trong cơ thể sâu đục thân bằng cách thọc cái ống dài đựng trứng của nó xuyên qua dãnh lúa vào bên trong cơ thể sâu non, cuối cùng tiêu diệt sâu non sâu đục thân.
- Ong xanh (Tetratichus schoenbii): Có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm giảm mật độ sâu đục thân trên đồng ruộng. Chúng chích và đẻ trứng vào bên trong trứng sâu đục thân, làm cho trứng bị ung. Loài ong này có thể tiêu diệt tới trên 70% trứng sâu đục thân trên ruộng.
 Trên đây là một số loài phổ biến trong vô số những loài thiên địch trên cây lúa và cây màu, giúp bà con nông dân hiểu biết và có ý thức bảo vệ bằng cách: sử dụng thuốc hóa học có tính chọn lọc, có phổ tác dụng hẹp, dùng thuốc hóa học hết sức hạn chế khi cần thiết, dựa vào những ngưỡng kinh tế. Ngoài ra, còn tạo nơi cư trú cho thiên địch ẩn nấp sau vụ gieo trồng, nên ứng dụng quy trình 5 giảm 3 tăng để sản xuất có hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét